Được làm từ các loại ngũ cốc lên men theo phương pháp thủ công trong dân gian, rượu đế là một loại rượu rất thịnh hành trong ẩm thực Việt Nam. Tuy nhiên, mỗi vùng miền lại có cách làm khác nhau, tạo nên những loại “mỹ tửu” khác nhau.
Từ xưa đến nay có rất nhiều loại rượu đế nổi tiếng, nhưng được nhắc đến nhiều nhất chính là 6 loại rượu đế ngon trứ danh “quốc tửu” sau đây:
Rượu làng Vân (Vân hương mĩ tửu)
Rượu làng Vân là một loại rượu nổi danh miền Bắc Việt Nam. Trước đây, rượu làng Vân thường được nấu từ sắn khô hay sắn tươi nhưng ngày nay, loại rượu này chủ yếu được nấu từ gạo. Có nguồn gốc từ xã Vân Hà, huyện Việt Yên, Bắc Giang ngày nay nhưng là một phần của tỉnh Kinh Bắc ngày xưa, rượu làng Vân từ lâu đã trở nên quen thuộc cũng giống như sự quen thuộc của những giai điệu quan họ Bắc Ninh vậy.
Rượu Kim Sơn
Rượu Kim Sơn là một loại rượu nổi tiếng của vùng Sơn Nam Hạ ngày xưa, và nay là vùng đất Ninh Bình. Rượu được nấu bởi men thuốc Bắc truyền thống được tạo ra bởi một số dòng họ có truyền thống lâu đời tại Kim Sơn. Hơn thế nữa, nguồn nước sử dụng để nấu rượu là nguồn nước đặc biệt chỉ ở nơi đây mới có nên hương vị rượu thơm ngon không thể lẫn với các vùng miền khác.
Rượu Bàu Đá
Bàu Đá là tên của bàu nước ngày xưa mà cả làng Cù Lâm, xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn, Bình Định dùng chung. Đó cũng là nguồn nước đặc biệt được sử dụng để chưng cất rượu Bàu Đá. Loại rượu này được xem là đại diện của mĩ tửu Việt Nam khu vực miền Trung.
Tuy nhiên thì từ năm 2010, nước trong Bàu đá cổ này đã cạn, giờ đây, nguồn nước mà người dân sử dụng để nấu rượu chủ yếu lấy từ những mạch nước ngầm của làng.
Rượu San Lùng
Cùng với rượu Táo Mèo, rượu ngô Bắc Hà thì rượu San Lùng được xem là một loại rượu ngon trứ danh của Lào Cai có nguồn gốc từ người Dao đỏ ở thôn San Lùng, xã Bản Xèo, huyện Bát Xát.
Loại rượu này khiến người uống mê mẩn bởi hương thơm lạ có được từ men lá rừng và vị ngon đậm đà có được từ thóc nương. Khác với các loại rượu đế khác được ủ từ men ngô, men gạo hoc sắn nấu chín, rượu san Lùng đặc biệt ở chỗ được ủ từ thóc và len men từ 15 loại lá rừng khác nhau.
Chính cách nấu rượu độc đáo của người Dao đỏ kết hợp cùng nguồn nước và khí hậu đặc trưng của vùng đất ấy mà rượu San Lùng có màu trong vắt, vị ngọt dịu, hơi ngậy và thoang thoảng hương thơm nhẹ nhàng, tinh khiết.
Rượu San Lùng trước đây được người Dao đỏ bản địa nấu hết sức công phu, tỉ mẩn để cùng trời đất, thần tiên nên không chỉ là loại rượu ngon trứ danh mang ý nghĩa ẩm thực mà còn là sản phẩm mang nhiều ý nghĩa văn hóa và tâm linh nữa.
Rượu ngô Bắc Hà (rượu ngô Bản Phố)
Rượu ngô Bắc Hà được xem là loại rượu đặc sản của người Dao và người H’Mong ở cao nguyên Bắc Hà, Lào Cai.
Loại rượu này được nấu bằng nước suối Hang Dế và giống ngô vàng được trồng trên núi đá cao chứ không phải giống ngô bình thường trồng ở thung lũng và nương rẫy. Cùng với đó là men được làm từ bột bông của cây “pa” (cây Hồng My), một loại cây đặc trưng của vùng cao nguyên Bắc Hà. Do đó, rượu có hương thơm nồng và uống vào rất ngon.
Rượu Mẫu Sơn
Rượu Mẫu Sơn là loại rượu đặc sản của người Dao ở Mẫu Sơn, Lạng Sơn, được chưng cất thủ công theo phương pháp cổ truyền có từ hàng ngàn năm nay, sử dụng nước tinh khiết được lấy từ những con suối chảy bên trong núi ở độ cao hơn 1000m và loại men lá rừng được làm ra từ hơn 30 thức thảo dược quý trong rừng sâu.
Nhờ đó mà rượu Mẫu Sơn có độ trong vắt, hương thơm nồng, rót ra chén sủi tăm, uống vào rất êm dịu, đậm đà chứ không hề tạo cảm giác nóng gắt. Đặc biệt, khi uống rượu Mẫu Sơn, bạn sẽ cảm nhận được hương vị đặc trưng của lá và rễ cây rừng.
Bạn còn biết thêm loại rượu đế nào cmt ngay nhé!